Tư vấn Khóa học, Bay trải nghiệm

Tư vấn Khóa học, Bay trải nghiệm

BAY ĐƯỜNG TRƯỜNG (XC)

Bay đường trường (Cross Country Flying) là một trong những nội dung bay lượn mà rất nhiều ACE sau một khoảng thời gian học bay đều mong muốn được trải nghiệm. Vậy thì bay đường trường là gì, có các loại hình bay đường trường nào và địa hình bay nào thì phù hợp với người mới tập luyện bay dù.

BAY ĐƯỜNG TRƯỜNG LÀ GÌ?

Bay đường trường là việc bay sử dụng các dòng khí nâng (khí nâng động “dynamic lift”, khí nâng đối lưu “thermal”, gió hội tụ…) để đưa phi công đi xa hơn so với tầm lượn bình thường của cánh dù. Thông thường thì chúng ta sẽ sử dụng các dòng khí nâng đối lưu trong quá trình thực hiện các chuyến bay đường trường có khoảng cách xa, điều này giúp cho chúng ta có thể bay lên cao đến tận đáy mây “nơi mây hình thành” và đó là cảm giác phấn khích vô cùng khi phi công dù lượn được du hành lên vương quốc của những đám mây. 

Du hành trong thế giới của những đám mây

CUỐN THEO CHIỀU GIÓ: Loại hình đầu tiên và dễ hình dung nhất đó là bay đi theo chiều gió thổi. Thông thường thì đây là loại hình bay dễ nhất đối với các phi công mới tập bay, bạn chỉ cần bay lên cao, thả mình theo những cơn gió và tận dụng việc bay theo gió để đạt được quãng đường bay lớn. Thường thì đây cũng là thể thức bay được nhiều phi công lựa chọn để lập kỷ lục cá nhân. Chủ yếu các chuyến bay theo loại hình này được thực hiện ở các khu vực đồng bằng. Loại hình bay này khá an toàn vì phi công sẽ có độ cao khá lớn so với mặt đất khi bay ở vùng đồng bằng, chính vì thế rất nhiều phi công ở Việt Nam đã chọn loại hình bay này để nâng cao thành tích bay cá nhân. Kỷ lục thế giới hiện này của hình thức bay này đang là hơn 600km được lập tại Mỹ năm 2021.

Kỷ lục thế giới bay đường trường xuôi theo chiều gió đạt 615km tại Mỹ

BAY DỌC BỜ BIỂN: Đây là một loại hình bay đường trường khá hấp dẫn khi bạn được bay dọc bờ biển dài với dòng khí nâng động mượt mà và khi cần phải vượt qua thung lũng thì có thể bay theo thermal lên đủ độ cao và lướt đi. Tuy nhiên loại hình bay này cần phải có điều kiện địa hình bờ biển dài cùng vách núi chạy dọc bờ biển để giúp chúng ta có được luồng khí nâng động. Đây cũng là loại hình bay có ít rủi ro do phi công chủ yếu bay dựa vào lực nâng động của gió. Trên thế giới hiện tại có 2 điểm bay rất tốt cho loại hình bay này. Điểm bay Iquique tại Chili với các chuyến bay có thành tích lên đến trên 300km và điểm bay Stanwell Park tại Úc với các chuyến bay có thành tích trên 100km. 

Chuyến bay dọc vách núi đạt 322km tại vùng bờ biển Iquique – Chile

BAY DỌC TUYẾN NÚI. Loại hình bay này rất phổ biến ở các khu vực có núi xem kẽ với đồng bằng hoặc núi dọc 1 thung lũng rộng. Phi công sẽ bay thermal dọc theo các vách núi và trở lại khu vực xuất phát sau khi đã chạm đến các mốc theo tuyến bay. Đây là loại hình bay khó hơn 2 loại hình bay nêu trên do phi công phải bay trên các rặng núi, đôi khi điều kiện gió lớn phi công có thể bị dạt sâu vào núi và chịu ảnh hưởng rất lớn của nhiễu loạn từ địa hình kết hợp với nhiễu loại của thermal. Bên cạnh đấy các phi công nếu không có nhiều kinh nghiệm cũng dễ dàng bị mất độ cao và hạ vào rừng. Loại hình bay này phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên nếu phi công không chọn lựa thời tiết phù hợp với trình độ bay của mình thì rất có thể rủi ro sẽ đến với họ khi bay theo loại hình này. Hiện tại ở Khu vực Đông Nam Á có điểm bay Phu Thap Boek (Thai Lan) là điểm bay theo loại hình này khá an toàn. Việt Nam cũng có 1 số điểm bay tương tự nhưng điều kiện thời tiết khá cực đoan và yêu cầu kỹ năng của phi công phải tốt như Tam Đường và Kontum.

Chuyến bay dọc vách núi lẫn Thung lũng rộng đạt 168km tại  Phu Thap BoekThái Lan

BAY TAM GIÁC TRONG RẶNG NÚI CAO. Đây là loại hình bay khó nhất, thách thức nhất và đòi hỏi phi công phải có kinh nghiệm, kiến thức rất tốt tại khu vực bay. Trong loại hình bay này, phi công phải bay qua rất nhiều các khu vực hệ thống gió thung lũng phức tạp, và khi bị xuống thấp trong các thung lũng này thì việc bay lên cao lại là một nhiệm vụ bất khả thi, thậm chí hạ cánh trên cây đôi khi cũng là một điều may mắn. Bên cạnh đó khi bay ở loại hình bay này phi công nhiều khi phải lựa chọn bay trong vùng khuất gió và hướng tới một khu vực nhiễu loại ở sau núi để đến được điểm mốc mà mình mong muốn. Lời khuyên cho các phi công muốn bay theo loại hình này thì hãy tham gia vào các lớp huấn luyện bay của các HLV tại từng khu vực mà mình muốn trải nghiệm. Hiện tại kỷ lục cho loại hình bay này đang là 350.53km được lập bởi phi công Baptiste Lambert tại Alps Pháp. Đôi khi chúng ta cũng có thể thực hiện được chuyến bay tam giác trong vùng đồng bằng khi gió mùa không quá lớn, hãy thử tập luyện bay theo loại hình này tại khu vực đồng bằng nó sẽ rất thú vị.

Chuyến bay tam giác FAI 350km của phi công Baptiste Lambert tại ALPS Pháp

PHƯƠNG ÁN TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI MỚI CHƠI DÙ

Bay đường trường là loại hình bay hết sức hấp dẫn nhưng nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người chơi. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tận hưởng được cảm giác phấn khích khi được bay xa mà không phải chấp nhận quá nhiều rủi ro.

XÁC ĐỊNH RÕ TRÌNH ĐỘ CỦA MÌNH.

Bí mật lớn nhất của phi công bay đường trường đấy là chọn điểm hạ cánh an toàn tương ứng với độ cao của mình. Nên để có thể bay đường trường tốt hãy tập luyện để có thể hạ cánh tốt trong khu vực bãi hạ có kích thước 30mx30m. Đây là kích thước phổ biến của các bãi trống mà chúng ta có thể hạ được khi bay đường trường. Nếu bạn chưa làm được điều này, hãy tập luyện thêm để không bị treo lủng lẳng trên cây hoặc đi tắm bùn.

Bay đường trường là bay kết nối của nhiều cột thermal cũng như các vùng lift dọc các vách núi. Nếu bạn chưa bay thermal nhiều thì hãy tập luyện bay thermal nhiều hơn để có thể bắt được các cột thermal ở các khu vực mà bạn chưa bao giờ bay đến. Bên cạnh đó kỹ năng ridge soaring cũng sẽ giúp bạn ở lại trên không lâu hơn  và chờ đợt thermal tiếp theo.

Hãy học cách kiểm soát dù trong nhiễu loạn và xử lý các tình huống khẩn cấp trong quá trình bay vì bạn sẽ gặp các luồng khí nâng rất mạnh +4, +5m/s và đẩy bạn lên cao rất nhanh, cánh dù của bạn sẽ bị Pitch, roll liên tục và thậm chí là collapse thường xuyên, nên hãy chắc chắn là mình có thể kiểm soát cánh dù của mình tốt trước khi rời khỏi khu vực bay quen thuộc của mình. Nếu có thể hãy tham gia một khóa huấn luyện SIV của các huấn luyện viên chuyên nghiệp – Chọn lựa một khóa SIV với HLV không đạt chuẩn cũng sẽ đặt bạn vào nguy hiểm, đừng tham rẻ bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho quyết định của mình.

Kiểm soát pitching là một trong những kỹ thuật quan trọng mà phi công cần phải thực hành tốt

CHỌN LỰA ĐIỀU KIỆN BAY VÀ KHU VỰC BAY PHÙ HỢP.

Nhiễu loạn, đó là điều đầu tiên chúng ta phải đối phó khi muốn bay đường trường, vậy thì làm sao để giảm thiểu yếu tố này? Câu trả lời là chọn lựa ngày bay với gió mùa không quá lớn, thường thì với gió dưới 5m/s thì nhiễu loạn sẽ không quá lớn và khi nhiễu loạn không quá lớn chúng ta sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào việc bay thermal cũng như bớt đi nỗi lo bị thổi lùi ra sau núi. 

Gió 5km/h Gần như không cảm nhận được nhiễu loạn
10km/h Chúng ta bắt đầu nhận ra nó
15km/h Giới hạn của bay giải trí
20km/h Nhiễu loạn rất mạnh và dữ dội. Chỉ phù hợp với những phi công kinh nghiệm và chuyên nghiệp
30km/h Không thể bay được. Cực kỳ nhiễu loạn và rất nhiều rủi ro dẫn đến tai nạn.

Đối với dù lượn, càng có nhiều độ cao chúng ta càng an toàn. Khi bay hãy nhìn vào chỉ số độ cao so với mặt địa hình (AGL). Rõ ràng là chỉ số độ cao này mới thực sự quyết định độ cao an toàn của phi công. Ví dụ nếu bạn đang bay ở vùng núi có độ cao trung bình của các vách núi là 1400m thì dù bạn có lên đến 2000m thì thực tế bạn cũng chỉ cao hơn vách núi tầm 600m, nhưng nếu bạn đi bay ở vùng đồng bằng có độ cao trung bình mặt đất là 150m thì khi lên đến 1300m thì bạn đã có 1150m độ cao so với mặt đất. Lúc đó lựa chọn phương án hạ cánh của bạn sẽ rất nhiều, bạn cũng không phải lo lắng về nhiễu loạn do bề mặt địa hình. Và đây là lý do việc bay ở khu vực đồng bằng (FLAT LAND) luôn đem lại độ an toàn cao nhất cho phi công.

Khi bay trong vùng núi, mặc dù độ cao lớn nhưng độ cao của núi cũng lớn nên độ cao thực tế so với mặt địa hình không nhiều
Bay FLATLAND thì độ cao của bạn so với mặt đất là rất lớn và chúng ta sẽ không phải băn khoăn trong việc chọn lựa điểm hạ cánh

Tại khu vực miền nam, tuy là không có nhiều điểm bay nhưng rất may mắn là chúng ta có điểm bay Chứa Chan rất gần với TP HCM và rất phù hợp với các phi công bay giải trí. Sau khoảng hơn 1h30p lái xe từ trung tâm Tp HCM, bạn sẽ đến ngay được khu vực bãi hạ cánh của điểm bay này. Với địa hình là ngọn núi cô đơn ở giữa khu vực đồng bằng miền Đông Nam bộ, ở cách biển khoảng 60-70km nên gió ở khu vực này khá nhẹ, thermal ẩn trong các rừng điều xung quanh chân núi giúp cho việc bay thermal ở đây không quá khó do thermal khá rộng, nhẹ và đều. Điều đặc biệt nữa là chỉ cần ra khỏi điểm cất cánh chúng ta sẽ bay trên một vùng đồng bằng rộng lớn, điều này giúp cho chuyến bay của phi công với ít kinh nghiệm đỡ căng thẳng hơn rất nhiều do không phải lo lắng là có bị bay vào vùng khuất gió của núi hay bị thổi lùi ra sau núi hay không.

Chứa Chan một điểm bay FLATLAND rất gần Tp HCM.

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn nói với các bạn, hãy tận hưởng khoảnh khắc bay lượn trên không bởi vốn dĩ nó đã là một điều diệu kỳ. Nếu bạn may mắn bắt được một luồng thermal đưa bạn bay đi 10-20-30km đó càng đặc biệt hơn. Đừng đặt ra bất cứ mục tiêu hay dấu mốc nào để đưa bản thân vào nguy hiểm. Điều tuyệt vời nhất sau mỗi ngày bay là được ngồi cùng với những người bạn của mình bên bàn ăn và cùng nhau chia sẻ lại những khoảnh khắc tuyệt vời trên bầu trời.

Chúc các bạn cất cánh mượt mà và hạ cánh nhẹ nhàng.

VNAA APPI SCHOOL – Start here Fly anywhere

https://flyappi.org/school/3012/

Viết một bình luận